Tìm kiếm

21 thg 9, 2011

Báo chí thể thao thế giới viết về quần vợt Việt Nam

Họp báo giải Việt Nam Mở rộng.
Nhân giải quần vợt ATP đầu tiên được tổ chức tại TP HCM, rất nhiều phóng viên nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam để đưa tin về sự kiện này. Dưới đây là một số bài viết về sự phát triển của quần vợt nước ta, qua sự quan sát của AP, Reuters...
"Quần vợt có mặt tại Việt Nam từ cuối thế kỷ trước do công của người Pháp. Nhưng môn thể thao này chỉ thực sự phát triển kể từ khi chính người Pháp và cư dân địa phương cùng nhau hợp tác phát triển. Thế nhưng, môn thể thao này hầu như không hoạt động tại miền bắc kể từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, trong khi đó, vẫn phát triển ngày càng mạnh ở miền nam. Đó là lý do tại sao giờ đây, những người chơi quần vợt chuyên nghiệp chủ yếu tập trung ở miền nam. Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, hầu như không có người chơi quần vợt. Nhưng trong những năm gần đây, quần vợt đang trở nên rất phổ biến tại Việt Nam".
Trong một bài báo khác, phóng viên AP viết: "Khi mà nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng ngày càng nhanh, thu nhập của người dân cũng tăng lên đáng kể, đặc biệt là tầng lớp trung lưu, việc những người hâm mộ thể thao bình thường mua một chiếc vợt để thi đấu vào những khoảng thời gian rảnh rỗi đã trở nên phổ biến. Quần vợt nghiệp dư đang phát triển mạnh mẽ tại đất nước này. Tại đây, để thi đấu, thông thường mọi người phải sắm cả vợt, giày, quần áo và các phụ kiện khác... tốn chừng hàng trăm USD. Ngoài ra, họ phải thuê sân chừng 4,5 USD/ giờ. Những người này cũng chơi trung bình từ 2 đến 3 buổi mỗi tuần, vào sau giờ làm việc hoặc học tập. Trong 6 hoặc 7 năm vừa qua, khoảng 3.000 đến 4.000 sân quần vợt đã được xây dựng tại Việt Nam và số người chơi cũng lên đến khoảng hơn 100.000 người, trải khắp đất nước".
Giải ATP đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam thực sự là một cú huých mạnh vào sự phát triển của môn thể thao một thời được coi là quý tộc này. Vé vào cửa theo dõi giải đấu có giá từ khoảng 75 USD tới 142 USD, không cao so với nhiều nước phát triển khác trên thế giới. Nhưng đây lại chính là một khoản tiền không hề nhỏ so với thu nhập trung bình của những người lao động Việt Nam. Dù vậy, việc chuyển giải đấu này từ Trung Quốc sang thực sự là một quyết định đúng đắn.
Trưởng BTC giải, Amit Naor, khi được trả lời phỏng vấn báo chí, cũng cho biết: "Giải đấu này chắc chắn sẽ là một động lực thúc đẩy sự phát triển của các tay vợt Việt Nam nói riêng và quần vợt tại nước này nói chung. Qua đây, Việt Nam cũng có thể chứng tỏ khả năng tổ chức thành công những giải đấu quốc tế lớn, không chỉ quần vợt mà còn những môn thể thao khác. Đó chính là lý do tại sao chúng tôi đã chọn Việt Nam".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét